Bài tuyên truyên ngày Pháp luật Việt Nam

Đăng lúc: 15:14:39 09/11/2023 (GMT+7)

Bài tuyên truyên ngày Pháp luật Việt Nam

BÀI TUYÊN TRUYỀN Ý NGHĨA NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 

Ngày Pháp luật Việt Nam có nguồn gốc từ sự kiện lịch sử quan trọng là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 9/11/1946). Đây là bản Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo, thể hiện tư tưởng lập hiến, dân chủ, quyền con người và quyền công dân của Nhân dân Việt Nam. Những giá trị của Hiến pháp 1946 vẫn được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.

Để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người, Quốc hội Việt Nam đã quyết định chọn ngày 9/11 làm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật) trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ ở Việt Nam. Hằng năm, vào Ngày Pháp luật, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trên cả nước đều tổ chức nhiều hoạt động như PBGDPL; tổng kết, đánh giá công tác xây dựng, thi hành pháp luật; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này.

CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ PBGDPL

Nhằm thực hiện các hoạt động PBGDPL, Nhà nước đưa ra các chính sách về PBGDPL. Trong đó xác định, đây là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác PBGDPL; thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác PBGDPL. Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
             Ngày Pháp luật cũng là dịp để nhắc nhở, giáo dục, hướng mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc theo pháp luật. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.

                       Người tổng hợp- Lê Thị Huyên - CCTPHT                     

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc