BÀI TUYÊN TRUYỀN, GIỚI THIỆU VỀ LỊCH SỬ ĐÌNH LÀNG PHÚ KHÊ XÃ HOẰNG PHÚ, HUYỆN HOẰNG HOÁ, TỈNH THANH HOÁ

Đăng lúc: 08:37:50 30/09/2024 (GMT+7)

BÀI TUYÊN TRUYỀN, GIỚI THIỆU VỀ LỊCH SỬ ĐÌNH LÀNG PHÚ KHÊ XÃ HOẰNG PHÚ, HUYỆN HOẰNG HOÁ, TỈNH THANH HOÁ

BÀI TUYÊN TRUYỀN, GIỚI THIỆU VỀ LỊCH SỬ

ĐÌNH LÀNG PHÚ KHÊ XÃ HOẰNG PHÚ, HUYỆN HOẰNG HOÁ, TỈNH THANH HOÁ

Đình làng Phú Khê có diện tích khuôn viên 5.436 m² được chia thành 3 cung thờ: Cung tiền đường thờ nhị vị Thành Hoàng Làng, cung thứ 2 thờ Thánh Mẫu, cung thứ 3 thờ Phật.

Sau đây xin mời quý vị ngược dòng thời gian 1.000 năm về trước để tìm hiểu  cội nguồn lịch sử của Đình Làng Phú Khê, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Tương truyền rằng thời bấy giờ có người đàn ông họ Chu ở Quảng Đức, Trung Hoa lấy vợ cùng quê người họ Hoàng, nhà ông Chu của cải giàu có, làm nghề buôn bán, đi lại bằng thuyền bè. Vợ chồng ông lấy nhau được 4 năm thì vợ ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Vào năm đó ngày 11 tháng 6 khi ông đã ngoài 30 tuổi Vận nước Trung Hoa lúc này ngập chìm trong cảnh binh đao, khói lửa… Người họ Chu đã phải tìm đường chốn sang nước Nam nương thân nơi đất khách quê người, ông đã đặt chân đến Sơn Nam Đạo, ông thấy nơi đây đất đai màu mỡ, ông đã bỏ tiền ra mua lại để làm ăn, sinh sống và “tối lửa tắt đèn” bên người dân bản ấp nơi đây.

Như duyên trời định sẵn, một năm sau ông đem lòng yêu và kết duyên cùng người con gái họ Phạm tên Khoan, hai người sống với nhau hạnh phúc và được mọi người dân nơi đây yên mến vì đức nhân hậu, 6 năm trôi qua, không biết bao nhiêu mùa hoa đào đã nở, tóc đã điểm bạc pha sương, căn nhà thì càng ngày càng rộng ra nhưng vẫn thiếu tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ, vợ chồng ông bà cũng đã đi du ngoạn khắp các chùa để cầu tự nhưng vẫn chưa có duyên.

Biết tin ở Phú Trừng Trang có ngôi chùa Bảo Phúc linh thiêng, ông đã khăn gói lên đường tu tiết lễ nghi, đến chùa Bảo Phúc để cầu tự. Đặt chân đến nơi đây ông thấy có cảm giác lâng lâng khó tả và một niềm tin mãnh liệt. Ông đã hiến toàn bộ số tiền mang theo cùng người dân ở nơi đây làm việc phúc đức của làng, người dân nơi đây đón nhận tấm lòng của ông và xem ông như người con của quê hương. Sau đó ông trở lại quê hương nơi có người vợ yêu dấu đang mong chờ, ông thấy lòng mình rất vui, từ đó 2 vợ chồng ông đều luôn hướng về chùa Bảo Phúc.

Hai năm sau, vào một đêm trăng thanh gió mát, bà Khoan nằm tựa cửa và ngủ thiếp đi, trong giấc ngủ bà mơ thấy có 2 vị thiên sứ hiện ra đỡ bà lên mây rồi biến mất, bà thấy mình đang ở một nơi rất xa lạ, có cỏ cây hoa lá tốt tươi, có tiếng chim hót, có tiếng suối reo, bên cạnh bà đứng có một vườn cây trái chín mọng khác lạ bà đã giơ tay hái và ăn thử, bỗng nhiên cơn khát dày vò, bà giật mình tỉnh giấc biết là trong mộng.

 Sau đó ba tháng bà thấy trong người khác lạ rồi mang thai, bà đem câu chuyện giấc mơ kể cho chồng nghe, người chồng họ Chu vô cùng vui mừng khôn xiết, ông cho rằng lời thỉnh cầu của ông đã động đến gió mây. Vào một buổi sáng đẹp trời, giữa tiết xuân ấm áp, nhà họ Chu bỗng bừng sáng muôn tia nắng ban mai, hoa đua nở lung linh trước gió, sau 10 tháng cả dạ bà Khoan sinh ra 1 cái bọc có 2 người con trai khôi ngô tuấn tú (hôm đó là vào ngày 16/02/1026 năm Bính Dần, giờ Mão). Khoảng một hai năm sau không quên những tháng ngày rong ruổi các chùa đi cầu tự, người họ Chu đã trở lại Phú Trừng Trang nơi có chùa Bảo Phúc linh thiêng để tạ ơn trời phật.

Với những đặc ân cao quý của đất trời, lòng từ bi của Đức Phật ban cho, hai người con của nhà họ Chu mới 7 tuổi mà thông minh khác lạ người thường. Nhân dịp này nhà họ Chu mới đặt tên cho 2 con, người con cả là Chu Minh, thứ 2 là Chu Tuấn. Bao giờ cũng vậy ưu phiền thường đến sau niềm vui, như những chiếc lá trên cành lay lắt, năm đặt tên cho con cũng là năm bà Khoan lâm bệnh nặng rồi qua đời vào ngày 09/9/1033, bà đã an nghỉ tại Sơn Nam Đạo nơi quê hương của bà. Từ đó người chồng luôn thương nhớ người vợ hiền và dồn hết tình thương yêu, tình mẫu tử để chăm sóc 2 con.

 Năm tháng trôi qua Chu Minh, Chu Tuấn càng lớn càng thông minh, tài chí hơn người, năm con 13 tuổi người cha dẫn theo 2 con xuôi theo đường thủy về phương Nam thăm lại chùa Bảo Phúc. Chiếc thuyền vừa cấp bến Cưm (gần Phú Trừng Trang). Đột nhiên giữa mùa hạ ngày 23/4/1039 mà nước dâng lên quá cao chồng chềnh làm cho con thuyền bị đắm. Hai người con bị chìm mất tích. Người cha may mắn nhờ những cơn sóng thủy triều dâng lên đã đánh dạt ông vào bờ và thoát nạn. Đứng trên bờ ông nhìn những con sóng mà lòng đau quặn thắt, khi không thấy 2 người con đâu nữa.

Ba ngày sau dân làng nhìn thấy phía xa xa có hai người đàn ông nổi lên mặt nước dáng ngồi giống Đức Phật bồng bềnh trên mặt nước theo thủy triều từ từ tiến về Phú Trừng Trang, đột nhiên Đến chùa Bảo Phúc thì dừng lại. Khi nước rút dân làng đến nơi thì mối đắp thành hai ngôi mộ, thấy kỳ lạ, dân làng đã bản ấp đã cùng nhau tu lễ và lập lăng ngay tại đó ( nay là xã Hoằng Quý ).

 Ba tháng sau người họ Chu quay trở lại và được nghe người dân nơi đây kể lại, người cha vô cùng cảm ơn dân làng và giơ 2 tay vái lạy tạ ơn và nói rằng “ Tôi chỉ có tấm thân này gửi gắm nơi bản ấp, biết bao giờ mới trả hết ơn nghĩa” nói xong ông từ từ tiến ra sông lớn và tự vẫn hôm đó là vào ngày 18/7/1039, nơi ông hóa đã nổi lên một cái ụ như nấm mộ và dân làng để nguyên không dám di dời.

 

         

Vào thế kỷ thứ 10 năm 1039, Thời nhà Lý (vua Lý Thái Tông ) phía Nam nước Đại Việt có quân giặc Ai Lao quấy nhiễu, tướng sỹ triều đình đã nhiều lần ra trận nhưng vẫn không phân thua thắng bại. Nhà vua phải thân trinh ra trận. Nhà vua tiến quân đến đạo Thanh hoa, Hà Trung phủ, Châu Đằng, nghe nói Phú Trừng Trang người đông, đất rộng có thể chiêu binh lương, vua liền tiến về nơi đấy để dựng trại. Ngay đêm hôm ấy trong giấc ngủ nhà vua bổng nhìn thấy có 2 chàng trai khôi ngô tuấn tú hiện ra chắp tay vái lạy nhà vua mà tâu rằng “Chúng tôi là những người con họ Chu đến từ phương Bắc, lưu lạc sang nước Nam, sau một chuyến đi thăm thú làm ăn, đã gặp nạn và trôi dạt vào đây, được người dân bản ấp lo cho giấc ngủ ngàn thu, nay thấy Người ra trận, chung tôi nguyện âm phù dương trợ, mong nhà vua sớm khải hoàn trở về ”. Nghe chưa dứt câu thì nhà vua tỉnh giấc và biết đây là điều linh thiêng báo ứng.

Ngay ngày hôm sau nhà vua triệu tập các bô lão trong làng đến để vấn an và lệnh cho dân làng sắm sanh lễ nghi, lập đàn cúng tế trước khi ra trận. Trong một cuộc giao đấu, nhà vua chưa biết xử lý như thế nào thì bổng đâu từ phía Phú Trừng Trang nổi mây đen, dông gió tụ về phía quân giặc làm cho quân giặc tan tác hoảng loạn, thừa cơ quân ta tiến đánh, đã thu lại toàn bộ đất đai.

          Nhà vua thắng trận trở về không quên điều đình thần về làm lễ tạ, sửa sang, dựng tòa lăng miếu và đèn nhang. Nhà vua đã cấp cho dân bản trang 37 quan tiền để đèn hương thờ cúng và phong tặng chữ khen “Tốt đẹp vậy thay” và phong sắc cho 2 vị thần là Đại Vương, chuẩn cho Thanh Hoa Đạo, Hà Trung Phủ, Đằng Châu, Phú Trừng Trang nhà nhà đèn hương làm chính lễ để thờ phụng, chuẩn cho 3 năm miễn binh lương ( các ngày sinh nhật, húy nhật, khánh nhật, xuân thủ đều cỗ bàn tế lễ và xướng ca trò vui các loại ).

 Vào giữa thế kỷ 19 dưới triều vua Tự Đức, làng Phú Khê đã dựng lại ngôi đình trên nền thiêng đất cũ và từ đó đến nay nhân dân thường xuyên chăm lo bảo vệ. Ngôi đình được thiết kế theo kiểu chữ nhị, gồm 2 tòa: Đại Bái và hậu cung. Hiện nay trong đình còn lưu giữ nhiều di vật quý có niên đại trải dài vài thế kỷ như: án gian, nhang án, câu đối, hoành phi, long ngai, bài vị… và đặc biệt là 2 long ngai cao 1,2m biểu tượng quyền lực của hai vị thần được thờ trong hậu cung và nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng.

 Nhờ những giá trị tinh thần, vật chất còn lưu giữ nơi đây. Đình, chùa, lăng mộ làng Phú Khê đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1993. Từ đó đến nay với sự quan tâm của cấp trên và lòng hảo tâm của toàn thể nhân dân làng Phú Khê, con em xa quê luôn hướng về quê hương và khách thập phương xa gần đã cung tín tu bổ xây dựng, sữa sang và bằng nhiều hiện vật có giá trị tâm linh và hôm nay quý vị đến nơi đây chúng ta thấy khác xưa nhiều, Đình làng Phú Khê xã Hoằng Phú đã khang trang và bề thế nhưng vẫn giữ được bản chất văn hóa bản xứ.

Cứ mối độ tết đến, xuân về, những người con xa xứ luôn hướng về quê hương như nhà thơ Giang Nam đã viết:

                                          “Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

                                           Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cùng nhớ nhiều”

Và hàng năm từ ngày 16/2 - 20/2; 22/4 - 23/4 âm lịch làng Phú Khê lại tổ chức lễ hội kính dâng lễ vật lên nhị vị Thành hoàng làng để tỏ lòng thành kính biết ơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho Quốc thái dân an, nhà nhà bình an và hạnh phúc.

 Ngoài mặt tâm linh, làng Phú Khê còn những đặc sản, nét văn hóa lâu đời vần lưu truyền đó là: Trống hội cung đình, nghề thêu ren truyền thồng, xôi vò, bánh răng bừa, chè lam, bánh nhãn, kẹo lạc.

Mỗi lần quý khách đến đây đều được nghe lời nhăn nhủ rằng:

“ Nhắn ai đã đến Phú Khê

Chè lam bánh nhãn khi về nhớ mua

Hồn thiêng Phú quý quê tôi

Nghìn năm có lẽ vọng về hôm nay”

Đến với Phú khê chúng ta không chỉ cảm nhận được sự thanh bình, sự ấm áp tình người, sự mến khách và đặc biệt là họ luôn nở nụ cười tươi tắn trên môi để đón khách và rằng thì là “người ơi người ở đừng về”

Mong rằng quý khách đến đây một lần rồi sẽ còn muốn đến nhiều lần hơn nữa và Đình thượng làng Phú Khê sẽ là một điểm du lịch tâm linh nằm trong tua du lịch của huyện Hoằng Hóa sắp tới.

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH ĐÌNH LÀNG PHÚ KHÊ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc